Tâm Sự: Bạn Có Một Tâm Hồn Nghệ Thuật Không?
Hôm nay rảnh rỗi, mớ tiểu thuyết cũng ngốn qua ngốn lại muốn nát ra rồi, lại đang muốn thư giãn đầu óc chút xíu nên mắc cái võng ở vòm hồ cá phong lan lên hút điếu thuốc, thấy cuốn truyện Shin – cậu bé bút chì của ông thầy đang đọc dở để trên bàn bèn lôi ra đọc thử cho vui. Đọc được đoạn thực tế và hay ho phết 😀 – Sự khác nhau khi nhìn nhận cuộc sống của người bình thường và người có tâm hồn nghệ thuật.
Một ông nhà văn đang đi dạo lấy ý tưởng ở bờ hồ thì gặp thằng nhóc Shin này, nó hỏi ông làm gì mà cứ đi qua đi lại ở bờ hồ như thế, ông bảo: Đi bên mặt hồ lung linh khi ánh mặt trời phản chiếu thế này, đôi lúc có những làn gió nhẹ mơn man và tiếng chim ríu rít, ta thấy tâm hồn được hòa hợp với thiên nhiên, ý tưởng cũng từ đó mà tuôn chảy. Thằng Shin mặt ngây đơ ra kiểu như này “-_-” – Bác tưởng tượng hay thật, cháu có thấy gì đâu? Cái hồ xanh lè bèo dạt mây trôi, chỉ thấy mấy đống rác lềnh bềnh, mấy đông phân chó trên bãi cỏ, chưa kể lâu lâu còn nghe mùi chuột chết nữa…
😀 Thật vậy, cảnh đẹp hay không cốt ở cái hồn người cảm nhận, không chỉ cảnh vật, những người có cái hồn nghệ thuật luôn nhìn nhận mọi thứ khác với những người bình thường, đôi khi, chỉ chiếc lá rơi qua khung cửa cũng đủ để họ làm nên bài thơ sầu thảm, chỉ một tia nắng bình minh cũng làm họ vui đến lạ thường, họ cũng đau khổ hơn những người khác, hạnh phúc hơn người khác…
Đọc đến đoạn đó tôi lại liên tưởng đến ông thầy của tôi, lão khô khan cực kỳ nên già đến nơi vẫn chưa có vợ. Người ta nói nỗi buồn thì ai cũng có, ai cũng có những nỗi niềm riêng cả, nhưng có lẽ những nhà văn, nhà thơ, nỗi buồn của họ có phần đau đớn hơn. Tôi đã đọc nhiều những tác phẩm văn học, thi thơ, cuộc sống có, tình yêu có, có thể nói rằng tôi cũng hiểu được phần nào tâm trạng của tác giả, nhưng chỉ là đầu kim mà thôi, hiểu một con người vốn dĩ đã khó, muốn hiểu được những con người này thì quả là điều không thể. Lại nhớ đến môn văn, “phân tích” tâm trạng tác giả, phân tích? Lố bịch.
Đôi khi tôi thấy đáng thương cho những người không thể viết, tâm hồn của họ khô khan đến mức mà tưởng như họ chỉ đang tồn tại trên cõi đời này, không thể cảm nhận được điều gì và nhìn nhận mọi việc với cái nghĩa đen, đâm ra cuộc sống thiếu đi màu sắc. Nhưng thường thì người bình thường vẫn thư thái hơn, tâm hồn họ “trong sáng” hơn và họ có cuộc sống vui vẻ hơn. Chả thế mà ai cũng bảo theo nghệ thuật khổ.
Thôi cũng chẳng biết nói gì 😀 mời các bạn xem bài thơ hay của Xuân Diệu mà tôi rất thích:
Lời Kỹ Nữ – (Xuân Diệu)
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá.Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây, mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
Chớ đạp hồn em!
Trăng về viễn xứ
Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn;
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn,
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
*
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,
Cuộc yêu đương gay gắt vì làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
*
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi.
– Du khách đã đi rồi.
Và bài thơ “hai sắc hoa Tigon” của thi nhân T.T.K.h, một bài thơ dạt dào cảm xúc:
Chúc các bạn buổi tối vui vẻ và hạnh phúc, tôi lại tiếp tục tận hưởng những bản tình ca, đơn giản là vì nó có cái hồn của nó, nó mang nét buồn sâu thẳm mà những bài nhạc trẻ chưa bao giờ có được…
Tâm Sự: Bạn Có Một Tâm Hồn Nghệ Thuật Không? – Xem thêm Tâm Sự Cuộc Sống
Lưu ý:
» Địa chỉ email của bạn được bảo mật.
» Mục không có dấu sao (*) là không bắt buộc.
» Bình luận bằng tiếng Việt có dấu nếu có thể.